Món ăn từ rùa bổ thận tư âm
Rùa là tên chung của loài bò sát thuộc nhóm siêu bộ. Các loài trong bộ này sống ở Việt Nam với nhiều tên khác nhau: rùa (rùa núi, rùa nước, rùa vàng… và rùa tai đỏ), ba ba, giải, vích, đồi mồi… Loài rùa lấy yếm làm thuốc (gọi là quy bản). Tuy vậy, thịt, yếm, mai, tiết… của các loài rùa đều được sử dụng làm thuốc.
Theo Đông y, quy bản vị ngọt, hơi mặn, tính bình. Vào kinh tâm, can và thận. Thịt rùa gọi là quy nhục, kim quy; vị ngọt, mặn, tính bình; vào phế, thận, can. Có tác dụng tư âm, lui cơn sốt âm ỉ, bổ thận, khỏe xương gân, cố kinh, ngừng chảy máu. Dùng cho các trường hợp lao phổi, viêm khí phế quản mạn, tâm phế mạn, các bệnh hệ thống sốt nóng âm ỉ kéo dài, khái huyết, đại tiện xuất huyết, sốt rét tái phát dài ngày, thiếu máu, hồi hộp mất ngủ. Cao quy bản có tác dụng bổ máu, cầm máu. Đối với chứng thận âm không đủ làm cơ thể suy nhược, khí hư, bạch trọc, cao quy bản đều có công hiệu rất tốt.
Liều dùng và cách dùng: quy bản 12- 60g; quy nhục 1-2 con nấu, hầm, quay, nướng, chiên, rán.
Quy bản được dùng làm thuốc trong các trường hợp
Tư âm giáng hỏa:
Bài 1: sinh bạch thược 24g, a giao hấp 12g, sinh quy bản 16g, sinh địa 24g, ma nhân 8g, ngũ vị tử 8g, mẫu lệ 16g, mạch môn đông 24g, chích cam thảo 16g, lòng đỏ trứng gà 2 cái, sinh miết giáp 16g. Lòng đỏ trứng gà để riêng. Các vị khác sắc lấy nước, bỏ bã, cho trứng gà vào đánh cho thật đều. Trị chứng suy nhược sau khi sốt cao, bệnh tà chưa lui hết, làm khô hết tân dịch, mặt lưỡi đỏ sẫm, thở ngắn không có sức, chân tay co giật.
Bài 2: hoàng bá 16g, tri mẫu 16g, thục địa 24g, quy bản 24g. Tất cả nghiền thành bột, thêm tủy xương lợn và luyện với mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g, uống lúc đói, chiêu với nước gừng hoặc nước muối loãng. Trị chứng âm hư hỏa vượng, nóng âm ỉ trong xương, mồ hôi trộm, tai ù, tai điếc, đầu gối và ống chân đau buốt và nóng.
Cố kinh, chỉ băng: quy bản 63g, hoàng cầm 63g, bạch thược 63g, hoàng bá 12g, hương phụ 10g. Tán thành bột mịn, làm hoàn. Ngày 3 lần, mỗi lần 12 – 15g. Trị chứng âm hư huyết nhiệt, hành kinh ra quá nhiều.
Rùa hầm sa sâm trùng thảo dùng tốt cho người bệnh hen phế quản, lao phổi khái huyết, suy nhược.
|
Một số món ăn – bài thuốc có rùa
Rùa hầm: rùa 1 – 3 con, chuối xanh 200 – 300g, đậu phụ rán 2 bìa. Rùa bỏ mai ruột, làm sạch; chuối xanh gọt vỏ ngâm nước, thái lát, đậu phụ thái lát, thêm gia vị hành sống, bột tiêu, gừng tươi, tương dầu. Tất cả hầm nhừ. Dùng làm thức ăn bổ dưỡng cho người cao tuổi, phụ nữ trước, sau sinh con, lao phổi khái huyết, viêm khí phế quản mạn tái phát, sốt nóng sốt rét.
Rùa hầm sa sâm trùng thảo: thịt rùa 1 – 2 con, sa sâm 20g, trùng thảo 10g; thêm nước và gia vị thích hợp; hầm nhừ. Dùng cho các bệnh nhân thiếu máu, suy tủy, bệnh nhân sau khi sốt nhiễm khuẩn dài ngày suy nhược, thiếu máu, hen phế quản mạn, lao phổi khái huyết.
Gà trống hầm thịt rùa: thịt rùa 250g, gà trống đã làm sạch 200g; thêm gia vị và nước, hầm nhừ. Dùng cho người cao tuổi suy thận tiểu tiện nhiều.
Súp rùa bách hợp đại táo: rùa 1 – 2 con, bách hợp 40g, đại táo 30g. Rùa làm sạch, thêm gia vị và nước, liều lượng thích hợp, nấu dạng súp. Dùng cho các trường hợp âm hư huyết hư, hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ.
Rùa hầm bắp nếp: thịt rùa 200g, hạt ngô nếp hoặc ngô bánh tẻ 200g, thêm gia vị và nước; hầm nhừ. Dùng cho các trường hợp tiểu đường, tăng huyết áp.
Chả rùa, rùa nướng: rùa 1 con (250 – 2.000g). Rùa bỏ đầu, móng, mai làm sạch, ướp gia vị. Lùi hoặc nướng chả, quay hoặc rán. Dùng cho các trường hợp suy nhược, lao phổi khái huyết, sốt dài ngày do viêm nhiễm.
Kiêng kỵ: Người dương hư không có nhiệt chứng thì không được dùng. Không được nấu thịt rùa với thịt lợn, không ăn cùng các loại dưa (dưa leo, dưa hấu), rau dền.
TS. Nguyễn Đức Quang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét